Friday, November 8, 2019

Báo Chính Phủ: 2 trường hợp chủ dự án tự trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Bài viết này thuộc danh mục:✅ Quản lý - Quy hoạch, được chúng tôi tổng hợp từ báo Chính Phủ, nguồn bài: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/2-truong-hop-chu-du-an-tu-trong-rung-thay-the-khi-chuyen-muc-dich-su-dung/379515.vgp

Ảnh minh họa

Theo đó, chủ dự án tự trồng rừng thay thế trong các trường hợp: 1- Khi chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác: Chủ dự án phải có diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng, được Nhà nước giao để trồng rừng theo quy định của pháp luật; 2- Khi chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác: Chủ dự án phải có diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng, được Nhà nước giao, cho thuê để trồng rừng theo quy định của pháp luật.

Chủ dự án có trách nhiệm lập phương án trồng rừng thay thế theo quy định. Trường hợp diện tích rừng chuyển sang mục đích khác nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì lập các phương án riêng trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế gồm: Phương án trồng rừng thay thế, văn bản đề nghị phê duyệt, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tài liệu khác có liên quan (nếu có). Trường hợp hồ sơ là bản bằng chữ nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của Chủ dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành thẩm định. Trường hợp cần xác minh thực địa về hiện trạng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, địa điểm dự kiến trồng rừng thay thế, thời gian hoàn thành thẩm định phương án trồng rừng thay thế được kéo dài thêm, nhưng không quá 15 ngày làm việc.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) xem xét, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Trường hợp không đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo rõ lý do bằng văn bản đến Chủ dự án. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị phê duyệt phương án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế, gửi kết quả đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ dự án. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo rõ lý do bằng văn bản cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ dự án.

Tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế

Theo Thông tư, sau khi phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt, Chủ dự án tổ chức lập thiết kế, dự toán trồng rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý đầu tư công trình lâm sinh và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi phê duyệt thiết kế, dự toán trồng rừng, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể về thời gian trồng, số năm chăm sóc, bảo vệ rừng trồng thay thế phù hợp với quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh và điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo đủ thời gian để rừng sau khi trồng được nghiệm thu hoàn thành theo quy định.

Chủ dự án phải thực hiện trồng rừng trong thời hạn 12 tháng kể từ khi phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Tuệ Văn

Tìm kiếm:✨

  • Rừng trồng, Chủ dự án, Trồng rừng, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Rừng sản xuất, Rừng đặc dụng, Rừng, Rừng phòng hộ, Từng tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Ngày làm việc, Cấp tỉnh, Bản dịch, Lập phương án, Điều kiện thực tế, Dự toán, Thẩm định, Phê duyệt, Thực địa