Wednesday, October 16, 2019

Báo Zing: Malaysia làm dự án 4,5 năm, Việt Nam nghiên cứu tiền khả thi mất 9 năm

Nhấn mạnh từ nghiên cứu tiền khả thi đến thi công của ta quá chậm, Chủ tịch Hà Nội cho biết Malaysia chỉ mất 4,5 năm hoàn thành dự án, còn ta mất 9 năm nghiên cứu tiền khả thi.

Bài viết này thuộc danh mục:✅ Quản lý - Quy hoạch, được chúng tôi tổng hợp từ báo Zing, nguồn bài: https://news.zing.vn/malaysia-lam-du-an-4-5-nam-viet-nam-nghien-cuu-tien-kha-thi-mat-9-nam-post1002250.html

Chiều 16/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Hà Nội về việc đôn đốc nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho thành phố.

Tổ trưởng Tổ công tác chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng dành cho Hà Nội về 6 vấn đề nổi bật. Đó là việc phát triển kinh tế ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ; công tác quy hoạch phát triển không gian tạo diện mạo mới cho thành phố…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chuyển lời khen của Thủ tướng dành cho Hà Nội trong 6 vấn đề. Ảnh: Sơn Hà.

Đặc biệt, ấn tượng của thành phố thể hiện ở kết quả thu hút đầu tư nước ngoài và việc tạo chuyển biến trong cải cách hành chính, thái độ và ý thức chấp hành kỷ cương của cán bộ thi hành công vụ có chuyển biến tốt, chuyên nghiệp hơn…

Liên quan đến vấn đề trật tự đô thị, an toàn giao thông, Thủ tướng nhắn Hà Nội cần đẩy nhanh các dự án trọng điểm như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, sớm đưa các dự án vào hoạt động.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị với Tổ công tác một số vấn đề mà nếu không tháo gỡ ngay sẽ rất khó cho điều hành của thành phố.

Về các công trình trọng điểm chậm tiến độ, Chủ tịch thành phố kể câu chuyện khi đi học tập kinh nghiệm ở Malaysia, nước bạn thực hiện dự án từ khi có đề xuất đến khi hoàn thành chỉ mất 4,5 năm, trong khi chúng ta nghiên cứu tiền khả thi đã mất 9 năm.

Dẫn chứng dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ông Chung cho hay khi lập dự toán chỉ khoảng hơn 19.000 tỷ nhưng đến nay chi phí đội lên do trượt giá, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, đó là lý do vì sao người dân “kêu” các công trình đội vốn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhìn nhận quá trình từ nghiên cứu khả thi đến khi thi công dự án của chúng ta quá chậm. Ảnh: Sơn Hà.

“Từ bước nghiên cứu tiền khả thi cho đến khi thi công của chúng ta quá chậm. Vì vậy, thành phố mong muốn tổng kết từ thực tiễn để cho ra chính sách, nếu không sẽ kìm hãm sự phát triển, gây khó khăn cho chỉ đạo, điều hành”, Chủ tịch Hà Nội kiến nghị.

Dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo của Hà Nội có tổng mức đầu tư ban đầu được Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2008 là 19.555 tỷ đồng và nay điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng.

Hà Nội lý giải tổng mức đầu tư tăng hơn 16.100 tỷ chủ yếu do biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công (tăng hơn 8.560 tỷ, tương đương 43,6%).

Ngoài ra, các nguyên nhân khác bao gồm: thay đổi về quy mô đầu tư (tăng gần 1.803 tỷ, tương đương khoảng 9%); thay đổi chế độ chính sách của Nhà nước trong quản lý chi phí đầu tư (tăng hơn 3.525 tỷ, tương đương khoảng 18,4%); thay đổi tỷ giá (tăng hơn 2.235 tỷ, tương đương khoảng 11%).

Hoài Thu - Sơn Hà

Tìm kiếm:✨

  • Mai Tiến Dũng, Tiền khả thi, Văn phòng chính phủ, Nam Thăng Long, Chủ nhiệm, Đường sắt Nhổn, Thủ tướng, Chuyển lời, Bộ trưởng, Tổ trưởng, Đường sắt Cát Linh, Nguyễn Đức Chung, Trần Hưng Đạo, Trượt giá, Ủy ban nhân dân thành phố hà nội, Ga hà nội, Malaysia, Nghiên cứu khả thi, Trật tự đô thị, Kìm hãm