Monday, October 14, 2019

Báo DĐDN: Mã Pì Lèng cần phát triển du lịch bền vững

Công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng xây trái phép đang thu hút sự quan tâm từ dư luận, nhiều ý kiến trái chiều. Sáng 14/10, công trình này đã bị tạm dừng hoạt động kinh doanh.

Bài viết này thuộc danh mục:✅ Quản lý - Quy hoạch, được chúng tôi tổng hợp từ báo DĐDN, nguồn bài: https://enternews.vn/ma-pi-leng-can-phat-trien-du-lich-ben-vung-159457.html

Đây là lời nhắc nhở người có trách nhiệm bảo vệ di sản, phát triển du lịch bền vững.

Công trình Mã Pì Lèng Panorama bị tạm dừng hoạt động từ sáng 14/10.

Trước đó, nhiều địa phương sai lầm trong phát triển du lịch đã đánh đổi di sản cùng với cảnh quan tươi đẹp và môi trường trong lành. Dễ thấy nhất là Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) đã rơi vào thảm họa xây dựng tràn lan, quá tải du lịch, tác động tiêu cực cảnh quan môi trường.

Mã Pì Lèng có đèo được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, còn là di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan tại huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Khu vực đỉnh đèo Mã Pì Lèng gần vị trí công trình xây trái phép được cho là một trong những điểm ngắm cảnh quan sát toàn bộ không gian đẹp nhất với khách du lịch, nhìn thấy lưu vực dẫn ra sông Nho Quế là một trong các thung lũng kiến tạo bởi tự nhiên thuộc loại độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Song, nhìn nhận thực tế huyện Mèo Vạc nơi có Mã Pì Lèng là tài sản quý giá được thiên nhiên ban tặng, cuộc sống người dân bản địa còn khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người huyện Mèo Vạc hiện chưa tới 20 triệu đồng/người/năm, chưa bằng một nửa thu nhập bình quân cả nước.

Trả lời báo chí về công trình Panorama xây trái phép, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường thừa nhận dư luận phản ứng cũng đúng, chính quyền địa phương nóng vội dẫn đến thiếu sót nhưng thật sự mong muốn thu hút đầu tư như công trình Panorama.

Ông đã bày tỏ lời mong cầu chia sẻ giúp bà con vùng biên, phát triển kinh tế cho địa phương “Chúng tôi mong muốn mọi người ủng hộ một huyện nghèo như Mèo Vạc".

Hầu như ai cũng hiểu, sở dĩ dư luận phản ứng bởi công trình xây trái phép xây trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, không phải là trạm dừng chân như chủ trương ban đầu mà là tòa nhà kiên cố có quy mô 7 tầng với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê.

Tại sao một công trình sai phạm lớn vẫn để xây dựng hoàn thành? Nếu cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu, hẳn không kéo dài. Giá như chính quyền địa phương làm đúng quy trình hơn, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng để khai thác phát triển du lịch một cách bền vững vừa hiệu quả vừa thượng tôn pháp luật, sự việc đã không ầm ĩ.

Tôi đã đến và trải nghiệm với cuộc sống người dân bản địa nghèo khó, tham quan thực tế ngọn đèo và thấy rằng những người có trách nhiệm cần phải làm gì đó cho Mã Pì Lèng chứ không thể để nguyên trạng như bấy lâu nay đơn độc hoang sơ chưa có cơ hội phát huy hết giá trị.

Tìm ra phương án hữu ích cụ thể thiết thực cho người dân bản địa, khai thác phát triển du lịch Mã Pì Lèng là chuyện cấp thẩm quyền phải họp bàn và thống nhất. Tuy nhiên, không ít ý kiến lại nhất quyết “cấm cửa” bất cứ dự án du lịch nào “đụng” tới Mã Pì Lèng.

Thực tế bảo tồn di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đâu cứ nhất quyết giữ nguyên trạng mà còn phải trùng tu và đầu tư sao cho phát huy tối đa giá trị để đẹp hơn trong mắt khách du lịch.

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) được UNESCO đánh giá như hình mẫu cho bảo tồn và phát triển du lịch bền vững. Phố cổ Hội An có quy chế riêng, gắn chặt quyền lợi người dân với bảo vệ và khai thác di sản giúp phát triển kinh tế, nói cách khác là kiếm tiền từ di sản. Chính quyền địa phương còn bổ sung nhiều chi tiết cũ và mới, phục hồi một thương cảng đã có từ thế kỷ trước cùng với tái hiện hình ảnh mua bán trao đổi hàng hóa để thu hút khách du lịch.

Phố cổ Hội An đến nay vẫn còn nguyên vẹn nhà cổ, không gian kiến trúc, cảnh quan môi trường. Đặc biệt, người dân vẫn sinh hoạt đời thường và phát triển kinh tế ngay trong di sản.

Phát triển du lịch bền vững thì không một công trình nào được phép phá vỡ cảnh quan đẹp, tàn phá môi trường tự nhiên, gây tổn hại di sản, vi phạm pháp luật. Càng không thể cho một nhà đầu tư nào được quyền thực hiện dự án vì lợi nhuận mà bất chấp dư luận phản đối mạnh mẽ như công trình Panorama cũng như những công trình khác đã xâm hại di sản, danh lam thắng cảnh.

Nếu chỉ xử phạt rồi cho tồn tại chẳng khác gì dùng tiền hợp thức hóa sai phạm, khuyến khích vi phạm pháp luật, tiền lệ xấu trong xã hội, tiếp sức cho các sai phạm khác. Dù có đầu tư hàng loạt công trình kiên cố cao tầng cho Mã Pì Lèng cũng không thể có được tiện ích như ở các đô thị trong nước, càng không thể so sánh với nước ngoài. Hiếm khi ai đó dành thời gian đi du lịch lên núi để ngắm những bêtông cốt thép vô hồn. Thành ra, giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan và bảo tồn di sản là điều kiện tiên quyết cho Mã Pì Lèng.

Những dự án du lịch nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng gắn với lợi ích cộng đồng, kêu gọi đầu tư đúng luật có thể thúc đẩy phát triển bền vững cho địa phương nghèo như huyện Mèo Vạc. Nên chăng tỉnh Hà Giang tổ chức lấy ý kiến và quy hoạch phát triển du lịch Mã Pì Lèng, ban hành quy chế quản lý phù hợp, gắn chặt quyền lợi người dân bảo vệ và khai thác di sản giúp phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư những dự án hài hòa cảnh quan thiên nhiên.

Cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ các bộ ngành thúc đẩy và đánh thức tiềm năng Mã Pì Lèng. Lúc đó, danh lam thắng cảnh với di sản sẽ được khai thác một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Trần văn tường

Tìm kiếm:✨

  • Mã Pì Lèng, Đèo Mã Pì Lèng, PANORAMA, Mèo Vạc, Danh lam thắng cảnh, Hà Giang, Nhà nghỉ, Dừng chân, Địa chất, Ngắm cảnh, Mã Pì Lèng PANORAMA, Cảnh quan, Công trình, Du khách, UNESCO, Thiên nhiên, Sai phạm, UBND huyện Mèo Vạc, Đỉnh, Trái phép