Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về 'Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội'. Nghị quyết ra đời nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, góp phần nâng cao nếp sống văn minh của cộng đồng dân cư, xây dựng các chung cư văn hóa.
Bài viết này thuộc danh mục:✅ Quản lý - Quy hoạch, được chúng tôi tổng hợp từ báo Nhân Dân, nguồn bài: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41697702-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-van-hanh-su-dung-nha-chung-cu.html
Hà Nội là địa phương phát triển sớm loại hình nhà chung cư. Theo thống kê mới nhất, đến nay có 13,5% dân số Hà Nội đang sinh sống ở chung cư. Thành phố có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có gần 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư. Thời gian qua, thành phố đã quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với nhà chung cư, nhờ đó công tác quản lý, vận hành loại hình nhà ở này từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, nhiều hạn chế, yếu kém trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị, sử dụng quỹ bảo trì,… đã dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện giữa các cư dân với ban quản trị, ban quản trị với chủ đầu tư hoặc nội bộ ban quản trị.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 86 chung cư có tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Ðại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận có bốn loại hình nhà chung cư gồm chung cư tái định cư, tạm cư, thương mại và chung cư cũ, thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa ban quản trị với chủ đầu tư, cư dân với ban quản trị, nội bộ ban quản trị, nhưng thiếu quy định, chế tài xử lý, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trong những năm qua, quận đã có nhiều đề án, chương trình riêng, nhưng công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở này vẫn còn nhiều vướng mắc. Ðiển hình là việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, một số chủ đầu tư cố tình "ôm quỹ" không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân, nhưng các cơ quan chức năng khó can thiệp. Vì thế, UBND thành phố, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, xem xét tách tiền quỹ bảo trì ra khỏi tiền mua căn hộ. Số tiền này cần được đưa vào một tài khoản riêng, trong đó chính quyền cấp quận có thể kiểm soát để thuận lợi cho việc bàn giao quỹ ngay khi ban quản trị tòa nhà được thành lập.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, để khắc phục những hạn chế này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng; các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện từ khâu phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện..., đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và bố trí cán bộ, đảng viên liên quan đến công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố sớm ban hành quy định cụ thể về việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư để thống nhất triển khai theo nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, với đầy đủ giải pháp cụ thể để khắc phục các hạn chế, có chế tài mạnh xử lý nghiêm các vi phạm.
Phát biểu ý kiến kết luận tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28-6-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội", đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu rõ: Quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư là vấn đề mới, khó, phức tạp, phải có giải pháp tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng khoa học, hiệu lực, hiệu quả hơn để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; giữ ổn định trật tự và an toàn xã hội; đồng thời bảo đảm vừa phát triển mạnh về nhà ở, vừa duy trì môi trường các nhà chung cư lành mạnh để người dân sinh sống. Ðồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị, xã hội các cấp cần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu địa phương, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đi đôi với việc xem xét, xử lý các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm liên quan đến nhà chung cư. Ðối với những chủ đầu tư vi phạm trong thực hiện xây dựng, quản lý chung cư, phải kiên quyết xử lý, không cấp chủ trương đầu tư các dự án khác.
Các cấp, các ngành phải coi việc giải quyết những vấn đề khúc mắc ở nhà chung cư là nhiệm vụ cấp bách để tập trung giải quyết; trong đó phải quan tâm, vào cuộc quyết liệt khắc phục các chung cư và cơ sở còn vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Tìm kiếm:✨
- Nghị quyết số 26-NQ/TU, Nhà chung cư, Ban quản trị, Chung cư, Nguyễn Xuân Lưu, Bảo trì, Bộ xây dựng, Thành ủy Hà Nội, Chủ đầu tư, Ổn định trật tự, Nếp sống, Cư dân, Cấp ủy, UBND Quận Thanh Xuân, UBND quận Cầu Giấy, Hiệu lực, Nguyễn Văn Phong, Quản lý nhà nước, Nhiệm vụ cấp bách, Bí thư thành ủy