Wednesday, September 18, 2019

Báo GD&TĐ: Dự án Công viên Kim Quy (Đông Anh, Hà Nội): Cần đền bù thỏa đáng cho người dân

Mặc dù đã được UBND xã Tiên Dương cho phép xây dựng trang trại trên diện tích đất đấu thầu, nhưng khi thu hồi đất để thực hiện Dự án Công viên Kim Quy, phía chính quyền lại không bồi thường, hỗ trợ những công trình trên đất cho người dân.

Bài viết này thuộc danh mục:✅ Quản lý - Quy hoạch, được chúng tôi tổng hợp từ báo GD&TĐ, nguồn bài: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/du-an-cong-vien-kim-quy-dong-anh-ha-noi-can-den-bu-thoa-dang-cho-nguoi-dan-4034332-b.html

Con đường dẫn vào khu trang trại chăn nuôi được ông Đoàn xây dựng, cải tạo, hiện đang nằm trong quy hoạch của Dự án Công viên Kim Quy.

Phân biệt?

Báo GD&TĐ nhận được đơn kiến nghị của ông Hoàng Ngọc Đoàn, trú tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội về việc trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện Dự án Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (gọi tắt là Dự án Công viên Kim Quy), UBND xã Tiên Dương đã “vô lý” khi thống kê tài sản gắn liền với đất của người dân vào diện các công trình xây dựng không hợp pháp, nên không được bồi thường, hỗ trợ. Bởi trước khi tiến hành cải tạo, sửa chữa chuồng trại, đường giao thông phục vụ phát triển chăn nuôi tại khu đất nhận thầu, người dân đã làm đơn và được UBND xã Tiên Dương cho phép bằng văn bản.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trước năm 2000, khu trang trại chăn nuôi mà ông Đoàn nêu trong kiến nghị là khu đất xấu, khó giao, thuộc khu đồng Dưới của thôn Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Sau đó, khu đất này đã được Hợp tác xã nông nghiệp thôn Lễ Pháp, sau này là UBND xã Tiên Dương giao thầu cho hộ ông Lê Quang Lưỡng và Phạm Văn Hoạt để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi.

Quá trình sử dụng đất, hộ ông Lưỡng và ông Hoạt đã xây dựng nhiều chuồng trại, nhà kho, công trình phụ trợ phục vụ chăn nuôi. Đến năm 2010 và 2014, hai ông này lần lượt làm hợp đồng góp vốn với ông Đoàn và ông Nguyễn Đăng Bảy để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Tuy nhiên, trước thực trạng chuồng trại chăn nuôi cùng các công trình phụ trợ tại khu đất thầu của ông Lưỡng (được xây dựng từ năm 1999) xuống cấp nghiêm trọng, cuối năm 2015, ông Bảy đã làm đơn gửi UBND xã Tiên Dương đề nghị được cải tạo, sửa chữa chuồng trại phục vụ phát triển chăn nuôi.

Sau khi được UBND xã Tiên Dương cho phép bằng văn bản, ông Đoàn và ông Bảy đã tiến hành đầu tư sửa chữa, cải tạo khu chuồng trại chăn nuôi đã xuống cấp, nâng cấp đường vào khu đất thầu… trước sự kiểm tra, giám sát của Tổ quản lý đất đai - trật tự xây dựng xã Tiên Dương và Trưởng thôn Lễ Pháp.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đoàn - người đại diện cho các hộ dân mà ông đang góp vốn, cho biết: “Việc chăn nuôi của các hộ tại khu đất nhận thầu đang diễn ra suôn sẻ thì nhận được thông báo của UBND huyện Đông Anh về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án Công viên Kim Quy. Theo đó, các hộ dân đã nghiêm chỉnh chấp hành, phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng kiểm đếm tài sản.

Tuy nhiên, khi xác nhận việc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, UBND xã Tiên Dương lại cho rằng các chuồng trại, nhà kho, công trình phụ trợ chăn nuôi của chúng tôi sửa chữa, cải tạo năm 2015, kể cả con đường vào khu đất thầu đều là những công trình xây dựng không hợp pháp. Điều này khiến chúng tôi vô cùng bức xúc, bởi trước đó chính UBND xã đã đồng ý cho chúng tôi được cải tạo, nâng cấp.

Nếu xác định như vậy, chúng tôi sẽ không được hưởng bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Phải chăng chính quyền đang cố tình làm khó chúng tôi. Trong khi, các hộ dân khác cũng có nguồn gốc đất đấu thầu như chúng tôi, với các công trình xây dựng trái phép nhưng lại được công nhận là hợp pháp và được bồi thường. Phải chăng chính quyền đang có sự phân biệt và áp dụng pháp luật khác nhau giữa các hộ dân”?

Thanh tra vào cuộc

Hồ sơ và tài liệu do ông Đoàn cung cấp cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần được xem xét, làm sáng tỏ bởi có một số hộ dân đã được UBND huyện Đông Anh ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án Công viên Kim Quy có dấu hiệu không đúng. Cụ thể, các hộ gia đình ông Phạm Văn Hưng, Nguyễn Bá Hiền, Lê Quang Trình, Nguyễn Bá Hùng, Nguyễn Bá Hòe có nhiều công trình không hợp pháp, nằm ngoài hợp đồng kinh tế đã ký với HTX xã nông nghiệp Lễ Pháp và hợp đồng giao nhận khoán thầu đất nông nghiệp đã ký với UBND xã Tiên Dương nhưng vẫn được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.

Đáng chú ý nhất là trường hợp hộ ông Lê Quang Hùng, trong hợp đồng thầu khoán ghi rõ là 1.530m2, được đầu tư để sản xuất trồng cây hàng năm, nghiêm cấm việc xây dựng. Nhưng trên thực tế, trong phương án bồi thường của UBND huyện Đông Anh ghi rất rõ có các công trình xây dựng, như: Sân bê tông, bể nước, chuồng gà, nhà kho, nhà điều hành với diện tích xây dựng là hơn 484m2 cùng 46m3 công trình ngầm.

Theo ông Đoàn, trong biên bản làm việc ngày 13/7/2017, Tổ GPMB của UBND xã Tiên Dương đã ghi rõ ông Hùng có 240m2 nhà xây để làm phòng hát karaoke không được hỗ trợ bồi thường. Thế nhưng, khi quyết định phê duyệt phương án bồi thường vẫn được công nhận và bồi thường 100%.

Như vậy, có thể thấy rằng, toàn bộ công trình trên của gia đình ông Hùng là xây dựng trái phép, nhưng khi lên phương án đền bù thì UBND xã Tiên Dương lại cho rằng các công trình đã được xã cho phép. Tuy nhiên, ông Đoàn đã cung cấp cho Báo GD&TĐ một tờ đơn xin phép làm chuồng trại để chăn nuôi và phát triền kinh tế được cho là của hộ gia đình ông Hùng gửi UBND xã Tiên Dương ngày 14/3/2011, có dấu xác nhận của UBND xã Tiên Dương và chữ ký của ông Hoàng Văn Vân với chức danh Phó Chủ tịch, nhưng không hề có ý kiến gì về việc cho phép hay không cho phép.

Điều đáng nói, tại tờ đơn xin phép được cho là của ông Hùng do ông Hoàng Văn Vân ký và đóng dấu của UBND xã Tiên Dương xác nhận ngày 14/3/2011 thì thời điểm đó ông Vân chưa được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã, mà đến tận tháng 11/2011 ông Vân mới được bổ nhiệm(?).

Trước những nội dung kiến nghị và hồ sơ, tài liệu của ông Đoàn cung cấp, PV Báo GD&TĐ đã liên hệ với ông Trần Văn Sáng - Chủ tịch UBND xã Tiên Dương để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, ông Sáng cho biết do ông Đoàn có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Đông Anh nên huyện đã chỉ đạo Thanh tra huyện vào cuộc xác minh, làm rõ những nội dung trong đơn. Do vậy, trong thời gian Thanh tra làm việc, khi chưa có thông báo kết luận thì chưa có thông tin cho các cơ quan báo chí.

Chí Tín - Thiều Khang

Tìm kiếm:✨

  • UBND xã Tiên Dương, Công viên Kim Quy, Báo GD&TĐ, Hoàng Văn Vân, UBND huyện Đông Anh, Tiên Dương, Chuồng trại, Nguyễn Bá Hòe, Nguyễn Bá Hiền, Đông Anh, Phạm Văn Hoạt, Nguyễn Đăng Bảy, Nhận thầu, Thầu, Thỏa đáng, Kim Nỗ, Đền bù, Thầu khoán, Trần Văn Sáng, Nhà kho