Friday, September 13, 2019

Báo Đất Việt: Thêm sai phạm liên quan đến ông Tất Thành Cang

Việc cổ phần hóa tại IPD và tái cơ cấu Sadeco có nhiều sai phạm, phục vụ nhóm lại ích.

Bài viết này thuộc danh mục:✅ Quản lý - Quy hoạch, được chúng tôi tổng hợp từ báo Đất Việt, nguồn bài: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/them-sai-pham-lien-quan-den-ong-tat-thanh-cang-3387562/

Làm trái chủ trương, loạt dự án không qua đấu giá

Ngày 12/9/2019, theo thông tin từ nhiều cơ quan báo chí trong nước đăng tải, Thanh tra TP. HCM đã có đề nghị gửi UBND TP. HCM chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, làm rõ sai phạm việc cổ phần hóa doanh nghiệp mà ông Tất Thành Cang phê duyệt.

Cụ thể, ông Cang đã bút phê chấp thuận cổ phần hóa sai quy định tại Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (IPD) khi còn đương chức Phó Chủ tịch UBND TP. HCM.

IPD tiền thân có 100 vốn nhà nước, là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC). Chủ trương được Thủ tướng phê duyệt sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50 vốn điều lệ.

IPD đề xuất 2 phương án về tỉ lệ vốn nhà nước là 49% và 36%. Tuy nhiên, khi trình lên UBND TP, IPC lại trình 2 phương án tỉ lệ vốn nhà nước tại IPD sau cổ phần hóa là 65% và 75% để IPC có quyền chi phối.

Ông Tất Thành Cang.

Cuối cùng, ông Cang chấp thuận phương án cổ phần hóa nhà nước nắm giữ 75% IPD.

Sau khi cổ phần hóa, IPD trở thành công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) có vốn điều lệ 652 tỷ đồng. Cũng kể từ đây, ESL có những hoạt động đầu tư sai quy định, đẩy quyền chi phối hoạt động vào tay tư nhân.

Theo kết luận thanh tra, ESL sẽ đầu tư xây dựng, khai thác dự án cảng. Tuy nhiên, ESL góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Cát Lái - Đông Sài Gòn để khai thác cảng.

"Với tỉ lệ góp vốn 20%, ESL không còn quyền chi phối, dẫn đến kết quả đối tác khác nắm quyền, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng" - kết luận thanh tra nhận định.

Thanh tra thành phố cũng chỉ rõ các khuyết điểm về thoái vốn của ESL tại Công ty Cổ phần xây dựng Thương mại Thái Dương, Công ty Cổ phần Tiếp vận Hồng Ngọc, Công ty Cổ phần Cơ khí và Đúc kim loại Sài Gòn, dẫn tới các khoản nợ khó có khả năng thu hồi.

Mặt khác, việc thực hiện dự án bất động sản khác cũng để xảy ra vi phạm như tại dự án tái định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, khu dân cư Hiệp Phước 1, khu dân cư Hiệp Phước 2, Khu dân cư Long Thới.

Đặc điểm chung của các dự án này khi IPC và các công ty liên kết thực hiện là không tổ chức bán đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định giá vốn góp, giá trị chuyển nhượng chưa đầy đủ cơ sở, không phù hợp, áp dụng đơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng với giá thị trường, chuyển nhượng nền đất không đúng đối tượng, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Đặc biệt là khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), theo Thanh tra thành phố, sau cổ phần hóa Công ty ESL không tiếp tục đầu tư vào dự án đã tìm đốc tác thực hiện nhưng thực chất là để chuyển nhượng dự án khi đủ thủ tục pháp lý.

Trao quyền kiểm soát cảng Cát Lái vào tay tư nhân

Trước đó, nhiều tờ báo dẫn kết luận của Thanh tra TP.HCM tháng 10/2018, theo đó, chỉ ra sai phạm tại Sadeco có sự tiếp tay của ông Tất Thành Cang trên cương vị Phó bí thư Thành ủy.

Sau cổ phần hóa, ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng.

Khi ESL đầu tư xây dựng, khai thác cảng Cát Lái nhưng thực tế Công ty ESL lại ký hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Cát Lái Đông Sài Gòn, trong đó ESL chỉ góp vốn 20% vốn điều lệ của pháp nhân mới, để khai thác toàn bộ khu vực cảng Cát Lái.

ESL trước và sau cổ phần hóa thể hiện không có năng lực phát triển cảng độc lập. Dự án cảng khu công nghiệp Cát Lái thực hiện chậm so với dự kiến, mặc dù được chấp thuận đầu tư từ năm 2002 nhưng đến nay chỉ mới hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Với tỷ lệ góp vốn 20% thì Công ty ESL không còn quyền chi phối, dẫn tới kết quả là đối tác khác nắm quyền chi phối, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng.

Ngọc Mai(Tổng hợp)

Tìm kiếm:✨

  • IPD, ESL, Công ty ESL, IPC, SADECO, Tất Thành Cang, Khu dân cư Long Thới, Cảng Cát Lái, HCM, Thanh tra TP.HCM, Cổ phần hóa, An Phú Tây, Pháp nhân, Đông Sài Gòn, Góp vốn, Vốn nhà nước, Ích, Chi phối, Bút phê, Cảng