'Không nên làm theo kiểu tư duy nhiệm kỳ, lãnh đạo làm nhiệm kỳ này đôi khi cũng muốn để lại một công trình gắn liền với tên tuổi thì không nên'
Bài viết này thuộc danh mục:✅ Quản lý - Quy hoạch, được chúng tôi tổng hợp từ báo Đất Việt, nguồn bài: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/binh-dinh-tac-phu-dieu-khung-tranh-tu-duy-nhiem-ky-3387668/
UBND tỉnh Bình Định dự kiến chi hơn 86 tỉ đồng (tiền ngân sách hơn 34 tỉ, nguồn xã hội hóa hơn 51 tỉ) để thực hiện công trình phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ, tạc vào vách núi Bà Hỏa với quy mô lớn chưa từng có.
Nguồn ngân sách do tỉnh quản lý để triển khai phần hạ tầng cắt bạt núi, di dời và hạ ngầm đường điện, nguồn xã hội hóa cho việc triển khai phần mỹ thuật phù điêu tạc vào vách núi.
Theo Sở Văn hóa - thể thao Bình Định, bức phù điêu này có tổng chiều dài 81,5m, vị trí cao nhất 35m và hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ khoảng 3.000m2. Thời gian thực hiện công trình này theo UBND tỉnh Bình Định dự kiến từ năm 2020-2022.
Phối cảnh minh họa bức phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ.
Vị trí tạc phù điêu là núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) nằm dọc ngã năm đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn, hướng nhìn ra cầu Thị Nại và Khu kinh tế Nhơn Hội theo hướng đông bắc.
Dự kiến cắt sâu vào núi (20-25m) tạo mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi, phần mặt phẳng nằm tạo thành sân quảng trường làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Sở Văn hóa - thể thao Bình Định cho rằng, công trình này sẽ làm tăng giá trị không gian văn hóa - lịch sử, kiến trúc cảnh quan đô thị và tăng giá trị hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Từng bàn luận về bức phù điêu này, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, việc tạo một bức phù điêu ở vách núi Bà Hỏa cần chú ý 2 điểm.
"Thứ nhất, muốn tạc ra một bức phù điêu mang tính giáo dục thẩm mỹ và giáo dục truyền thống thì phải chú trọng đến tầm nhìn.
Khoảng cách từ nơi thụ cảm đến tượng đó, nếu quá rộng, quá gần thì không cảm nhận được. Đứng gần để cảm nhận thì giảm giá trị của bức phù điêu nên phải có vị trí thích hợp để tạo được cái nhìn tổng thể.
Vấn đề thứ 2 khi tạc phù điêu trên vách núi đó là độ an toàn. Cần phải nghiên cứu địa lý, đừng vì chú trọng đến đặc thù quá mà không để ý đến 2 yếu tố đáng lưu ý trên", TS KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Vũ Hoàng Hà - nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, muốn làm phù điêu này, việc trước hết phải quy hoạch giao thông của ngã năm này với tầm nhìn xa. Sau khi quy hoạch nút giao thông này và được duyệt mới tính đến việc đặt phù điêu ở chỗ nào để khỏi che khuất tầm nhìn, tránh gây tai nạn giao thông.
Về khoan thăm dò địa chất vách núi, chỉ khoan một vài lỗ thì chưa xác định được chiều sâu bên trong là loại đá gì, nếu không xác định chất liệu của đá thì khi làm phù điêu lên đó có thể sẽ đổ vỡ.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhận xét phác họa phù điêu như phác thảo là rất rối. Lãnh đạo tỉnh Bình Định nên gặp gỡ lấy ý kiến các nhà sử học, Bộ VH-TT&DL, chuyên gia có chuyên môn hiến kế xây dựng lại chủ đề.
Theo ông Hà, lãnh đạo tỉnh không nên làm theo kiểu tư duy nhiệm kỳ, lãnh đạo làm nhiệm kỳ này đôi khi cũng muốn để lại một công trình gắn liền với tên tuổi thì không nên, ngược lại phản tác dụng nếu không thành công.
Tìm kiếm:✨
- Phù điêu, Thể thao Bình Định, Núi Bà Hỏa, Tạc, Vũ Hoàng Hà, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Đào Ngọc Nghiêm, Tỉnh ủy Bình Định, Ngã năm, Cầu Thị Nại, Bình Định, Thụ cảm, UBND tỉnh Bình Định, Mặt phẳng, Khu kinh tế nhơn hội, Núi, Khoan thăm dò, Bộ VH-TT, KTS