Friday, June 22, 2018

Báo Đại Đoàn Kết: Ai hưởng lợi trên 'nỗi đau' của ruộng?

UBND huyện Phú Lộc đã có Công văn chỉ đạo xã Lộc Điền đình chỉ mọi hoạt động tại cánh đồng lúa được 'cải tạo' thành hồ nuôi thủy sản ở thôn Quê Chữ, người dân nơi đây vẫn rất bức xúc bởi các phương tiện vẫn hoạt động rầm rộ, chở đất ra bên ngoài. Vậy ai có quyền lực đến mức coi thường lệnh cấm của UBND huyện, tiếp tục khai thác khoáng sản và phá nát cánh đồng.

Bài viết này thuộc danh mục:✅ Quản lý - Quy hoạch, được chúng tôi tổng hợp từ báo Đại Đoàn Kết, nguồn bài: http://daidoanket.vn/dieu-tra/ai-huong-loi-tren-noi-dau-cua-ruong-tintuc407989

Máy xúc khẩn trương đào xới đất ở cánh đồng thôn Quê Chữ để xe tải đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Lê Minh.

Như Đại Đoàn Kết thông tin, thời gian qua, người dân thôn Quê Chữ (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phản ánh về việc một cánh đồng trồng lúa nước trên địa bàn canh tác không hiệu quả đã được quy hoạch, cải tạo thành vùng nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, việc cải tạo ruộng đã bị một doanh nghiệp lợi dụng để khai thác đất sét.

Người dân vô cùng bức xúc khi tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, rơi vào tay của một số ít người được hưởng lợi còn ruộng lúa của họ thì trở nên hoang hóa. Các phản ánh về tình trạng phương tiện liên tục chở đất trên cánh đồng đi tiêu thụ đã được Lãnh đạo UBND xã Lộc Điền tiếp nhận. Chính quyền xã khẳng định, việc doanh nghiệp vận chuyển đất ra ngoài là không được phép, UBND xã chỉ cho 3 hộ dân thuê xe múc đất đắp bờ để tạo thành hồ nuôi.

Lãnh đạo xã này cũng đưa ra lời hứa sẽ chỉ đạo kiểm tra, giám sát vụ việc. Tuy nhiên, người dân cho hay tình trạng đất ở cánh đồng Phát Lát bị chở đi không được xử lý dứt điểm, liên tục xuất hiện nhiều xe tải, xe múc có gắn logo Long Phụng¬ - một doanh nghiệp vận tải, xây dựng lớn ở Phú Lộc ngang nhiên xúc đất của cánh đồng mang đi.

Cũng theo người dân, hoạt động của doanh nghiệp này rất tinh vi, thường xuyên có người cảnh giới tại khu vực khai thác. Đất sét ở đây bị chở ra ngoài đã diễn ra một thời gian dài. Thường bắt đầu từ khoảng 6h sáng hằng ngày, trời mưa thì dừng, ngày nắng xe về rầm rập. Mỗi khối đất được bán với giá khoảng 140.000 đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tánh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc cho hay, Phòng cũng đã nhiều lần cho lực lượng đến hiện trường để kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, lúc đến hiện trường thì lực lượng không phát hiện quá trình khai thác.

Còn ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thông tin, trước đó, huyện đã ban hành văn bản cấm việc khai thác và đã cho lực lượng đến kiểm tra. Tuy nhiên, ông cũng rất bất ngờ khi nhận được phản ánh việc khai thác vẫn đang tiếp diễn. Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, sẽ tiếp tục cử lực lượng đến kiểm tra, xác minh.

Trước việc người dân nghi ngờ cán bộ xã Lộc Điền có hành vi bao che, bảo kê cho doanh nghiệp thì vị lãnh đạo huyện Phú Lộc nhấn mạnh: "Sẽ cho kiểm tra, nếu phát hiện có sự việc như đã nêu thì sẽ xử lý tùy theo mức độ sai phạm".

Lê Minh

Tìm kiếm:✨

  • Quê Chữ, UBND xã Lộc Điền, Nguyễn Văn Tánh, UBND huyện Phú Lộc, Xã Lộc Điền, Phú Lộc, Nguyễn Văn Mạnh, Lúa nước, Lê Minh, Cánh đồng, Cánh đồng lúa, Ruộng lúa, Máy xúc, Cảnh giới, Bảo kê, Logo, Thôn quê